Sản xuất Đào, phở và piano

Đào, phở và piano là phim thuộc thể loại phim tuyên truyền theo khuynh hướng lãng mạn sử thi. Phim được đặt hàng bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchCục Điện ảnh, đơn vị sản xuất là Công ty Cổ phần Phim truyện 1 (Hãng phim truyện 1).[3] Nghệ sĩ ưu tú Phi Tiến Sơn cầm trịch vai trò đạo diễn kiêm biên kịch cho bộ phim. Phần kịch bản phim trước đó đã được Phi Tiến Sơn ấp ủ trong vòng 10 năm, lấy bối cảnh là trận Hà Nội diễn ra vào cuối 1946 – đầu 1947. Ông nhấn mạnh vào ý tưởng bộ phim dựa trên tính đặc biệt của trận chiến, khi người dân – với các vũ khí thô sơ – đã đối đầu với quân Pháp trong 60 ngày để bảo vệ thủ đô khỏi sự xâm chiếm trở lại của Pháp.[4] Sau khi dự án được thông qua, bộ phim nhận đầu tư với kinh phí là 20 tỷ đồng.[lower-alpha 1][5][6]

Để mô phỏng bối cảnh chính bộ phim là con phố Hàng Bè đổ nát ở Hà Nội, một phim trường cỡ lớn có diện tích 6000 m2,[4] dài 120 m rộng 15 m đã được dựng lên trên nền doanh trại quân đội cũ gần hồ Đại Lải, Phúc Yên, Vĩnh Phúc.[7][8] Khoảng 5, 6 tỷ đồng được đầu tư cho việc xây dựng và hoàn thiện phim trường trong vòng 3 tháng,[8] với sự xuất hiện của các ngôi nhà phố cổ Hà Nội theo phong cách thập niên 1940, toa tàu điện và xe tăng.[2] Trước đó, ê-kíp đã chọn cảnh thực tế tại Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Sơn Tây. Tuy nhiên, do các địa điểm lịch sử tại đây chịu ít nhiều tác động từ yếu tố hiện đại nên đoàn phim phải chuyển sang lựa chọn phục dựng bối cảnh.[7] Lựa chọn dụng cụ cho phim, thiết kế mỹ thuật Vũ Việt Hưng đã dùng nhiều vật dụng xưa cũ của người Hà Nội như tủ, giường, nồi đất, hoành phi câu đối để bồi lên thành một chiến lũy. Các loại xe chiến đấu, xe tăng được mô phỏng giống ngoài đời, có sự tham khảo từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt NamBảo tàng Lịch sử Quốc gia.[7] Phim sau đó chính thức khởi quay từ tháng 12 năm 2022 và kéo dài tới những tháng đầu 2023.[4][7]

Các vai chính của bộ phim lần lượt được giao cho Doãn Quốc Đam và Cao Thị Thùy Linh.[9] Vì là diễn viên có kinh nghiệm diễn xuất ở mảng phim truyền hình, Doãn Quốc Đam được tuyển thẳng vào vai nam chính mà không cần casting.[10][11] Về phía Cao Thùy Linh, ban đầu cô chỉ ứng tuyển vào vai quần chúng hoặc một vai phụ trong tác phẩm nhưng cuối cùng đạo diễn Phi Tiến Sơn đã chọn cô làm diễn viên chính. Là một người mới lần đầu chạm ngõ điện ảnh, trong quá trình quay phim cô đã được các diễn viên trong đoàn hỗ trợ về cử chỉ, diễn xuất.[9] Cả hai diễn viên trên đã đóng một cảnh nóng trong bộ phim.[10][12] Khi được trợ lý đạo diễn ngỏ lời mời tham gia đoàn phim, Tuấn Hưng tự nguyện nhận đóng một vai phụ trước sự e dè của trợ lý vì sợ nam ca sĩ sẽ chê vai nhỏ hoặc yêu cầu tiền cát-xê quá cao.[4] Lần trở lại này của Tuấn Hưng đã đánh dấu mốc 10 năm kể từ khi anh tham gia phim ảnh lần cuối cùng trong bộ phim truyền hình Cho một tình yêu.[13] Các vai quần chúng trong phim do những sinh viên ngoại quốc học tập và sinh sống tại Việt Nam đảm nhận.[14]

Phân tích

Đào, phở và piano khai thác lịch sử ở góc nhìn ba ngày cuối cùng của trận Hà Nội 1946, trước khi quân Việt Minh rút lên Việt Bắc chuẩn bị cho giai đoạn trường kỳ kháng chiến. Phim đi sâu vào tâm lý các nhân vật bám trụ lại Hà Nội tới những giây phút trước cái chết.[2] Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, ông tập trung đề tài phim ở phương diện tinh thần và tình yêu Hà Nội của người Hà Nội thay vì sự dữ dội của chiến tranh:[4] xuyên suốt bộ phim, sẽ không có xung đột, cao trào giữa tuyến nhân vật chính diện, sẽ không nhấn mạnh vào tính anh hùng ca của các nhân vật; thay vào đó, họ giúp đỡ, san sẻ lẫn nhau, thể hiện "chất" người Hà Nội nói riêng và phẩm chất anh hùng người Việt Nam nói chung.[2][10] Tinh thần này đã được mô tả như là "nét chấm phá lãng mạn giữa hiện thực chiến tranh tàn khốc".[15] Các nhân vật trong phim thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ những người lao động như cậu bé đánh giày, ông bà bán phở đến tầng lớp trí thức gồm vị cha xứ, ông họa sĩ và nhân vật me-xừ Phán. Họ đều tham gia hay ít nhiều ủng hộ Việt Minh, chống lại Pháp. Những nhân vật này đa số không được đặt tên và bộ phim chỉ khắc họa hành xử của họ trước chiến tranh hơn là đi sâu vào thân phận cụ thể.[4]

Thể hiện nội dung tác phẩm, Phi Tiến Sơn đã lựa chọn lối kể chuyện phi tuyến tính, đan xen giữa quá khứ và hiện tại ở nhiều phân cảnh khác nhau.[16]

Giải thích về tiêu đề bộ phim, Phi Tiến Sơn cho biết cái tên được cấu thành từ ba đặc trưng của Hà Nội xưa, bao gồm đào, phở và piano. Trong đó, hoa đào tượng trưng cho Tết tại miền Bắc bởi thời điểm chuyện phim diễn ra vào các ngày cận Tết;[15] phở là món ăn thân thuộc của người Hà Nội; còn piano là âm điệu sử thi vang lên trong các khu phố tĩnh lặng của Hà Nội.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đào, phở và piano https://m.youtube.com/watch?feature=shared&v=qn1t_... https://vtc.vn/ngoai-rap-quoc-gia-co-the-xem-phim-... https://momo.vn/cinema/dao-pho-va-piano-23753 https://thanhnien.vn/dao-pho-va-piano-cau-chuyen-d... https://thanhnien.vn/dao-pho-va-piano-chieu-tai-11... https://nguoihanoi.vn/dao-dien-nsut-phi-tien-son-t... https://dantri.com.vn/van-hoa/dao-pho-va-piano-thu... https://www.vietnamplus.vn/post-910043.vnp https://www.venuscinema.vn/phim/dao-pho-va-piano.h... https://vnexpress.net/phim-truong-tien-ty-tai-hien...